Theo quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Luật Đầu tư năm 2020, không nêu khái niệm “hợp đồng góp vốn” mà chỉ có khái niệm “góp vốn” được quy định tại khoản 18 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020: “Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty bao gồm góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ vào công ty đã được thành lập”. Như vậy, xét về mặt pháp lý, người góp vốn chuyển giao quyền sở hữu tài sản của mình cho người kinh doanh (thương nhân) để đổi lại những quyền lợi từ việc góp vốn.
Trong trường hợp góp vốn thông qua hợp đồng hợp tác, quyền sử dụng đất vẫn là tài sản của bên góp vốn, không có sự chuyển dịch về người sử dụng đất. Pháp luật đất đai không quy định về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hợp đồng BCC. Nếu các bên ký hợp đồng BCC nhưng có sự chuyển dịch quyền sử dụng đất từ bên góp vốn sang bên nhận góp vốn, thì sẽ thuộc trường hợp vô hiệu do giả tạo, bản chất của hợp đồng không phải góp vốn mà là chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Như vậy, có thể hiểu, việc góp vốn gắn với chuyển quyền sử dụng đất từ bên góp vốn sang bên nhận góp vốn chỉ được áp dụng trong trường hợp thành lập pháp nhân.
Tại Điều 35 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo quy định sau đây: a) Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty theo quy định của pháp luật. Việc chuyển quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng đất đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ; b) Đối với tài sản không đăng ký quyền sở hữu, việc góp vốn phải được thực hiện bằng việc giao nhận tài sản góp vốn có xác nhận bằng biên bản, trừ trường hợp được thực hiện thông qua tài khoản.
Điểm đ khoản 2 Điều 174 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất để hợp tác sản xuất, kinh doanh với tổ chức, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật”. Điểm h khoản 1 Điều 179 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “góp vốn bằng quyền sử dụng đất với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài để hợp tác sản xuất, kinh doanh”. Như vậy, đối chiếu với khái niệm về hợp đồng BCC trong BLDS năm 2015 và Luật Đầu tư năm 2020, quy định về góp vốn trong pháp luật đất đai thuộc trường hợp hợp tác kinh doanh. Việc góp vốn phải tuân thủ điều kiện quy định tại Điều 188, thực hiện thủ tục công chứng, chứng thực theo Điều 167 và đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai năm 2013.
Để xác định hợp đồng góp vốn qua một số yếu tố chính:
(1) mục đích là tạo thành vốn điều lệ của công ty (để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ vào công ty đã được thành lập);
(2) bên nhận vốn góp là pháp nhân (công ty); bên góp vốn là thành viên công ty;
(3) bên góp vốn được công ty cấp giấy chứng nhận phần vốn góp;
(4) trường hợp việc góp vốn dẫn đến sự thay đổi vốn điều lệ của doanh nghiệp thì doanh nghiệp phải đăng ký thay đổi với Cơ quan đăng ký kinh doanh;
(5) tài sản có đăng ký quyền sở hữu/quyền sử dụng đất thì phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu/quyền sử dụng đất cho công ty; tài sản không đăng ký quyền sở hữu thì có biên bản xác nhận việc giao nhận tài sản góp vốn (trừ trường hợp được thực hiện thông qua tài khoản).
TẢI MẪU HỢP ĐỒNG GÓP VỐN KINH DOANH
Quý khách quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của NESTLAW?
Để lại thông tin của bạn, NESTLAW sẽ liên hệ lại trong 3 ngày làm việc
CÔNG TY LUẬT TNHH NESTLAW VIỆT NAM
Địa chỉ trụ sở chính: 161B, phố Đại La, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Hotline: 0983 848 390
Email : contact@nestlaw.vn