Đôi nét về án lệ của Việt Nam và trên thế giới

A. Đôi nét về Án lệ tại Việt Nam

Án lệ là vấn đề được đề cập từ lâu trong khoa học và trong thực tiễn pháp lý ở nhiều nước trên thế giới. Án lệ là phán quyết hoặc lập luận để đưa ra phán quyết trong bản án do cơ quan Tòa án ban hành khi giải quyết vụ việc, vụ án cụ thể được nhà nước thừa nhận làm khuôn mẫu để Tòa án giải quyết các vụ việc, vụ án khác có nội dung hoặc tình tiết tương tự. Việc xây dựng và phát triển Án lệ tại Việt Nam là khá muộn so với các nước trên thế giới. 

Đôi nét về Án lệ của Việt Nam và trên thế giới

Luật tổ chức toà án nhân dân năm 2014 của nước ta đã chính thức thừa nhận án lệ và vai trò của tòa án trong việc xây dựng và phát triển án lệ. Theo quy định này, Hội đồng thẩm phán toà án nhân dân tối cao có nhiệm vụ lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán toà án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của toà án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử. Ngày 06/4/2016, Chánh án Toà án nhân dân tối cao đã ban hành quyết định số 220/QĐ-CA, công bố 06 án lệ đầu tiên. Theo Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, án lệ được định nghĩa tại Điều 1 như sau: “Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Toà án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”. 

B. Các bước để quyết định trở thành Án lệ

Quy trình để có được một bản án, quyết định trở thành Án lệ phải trải qua sự lựa chọn của Hồi đồng thẩm phán toà án nhân dân tối cao, bao gồm tám bước cơ bản (1) như sau: 

  1. Chánh án tòa án tỉnh hoặc chánh án toà án cấp cao hoặc vụ trưởng các vụ giám đốc kiểm tra tòa án nhân dân tối cao tiến hành rà soát, phát hiện bản án của toà mình đáp ứng được các tiêu chí để hình thành án lệ thì gửi đề nghị lên Uỷ ban thẩm phán toà án đó xem xét, đánh giá.
  2. Uỷ ban thẩm phán xem xét, đánh giá các bản án, quyết định được đề nghị theo các tiêu chí: đánh giá thực tiễn xét xử và pháp luật có liên quan, đưa ra ý kiến đánh giá về các bản án, quyết định đó xem có đủ điều kiện để phát triển thành án lệ hay có thể trở thành án lệ hay không.
  3. Trên cơ sở đánh giá của Uỷ ban thẩm phán, Chánh án gửi báo cáo toà án nhân dân tối cao thông qua Vụ pháp chế và Quản lý khoa học.
  4. Vụ pháp chế và quản lý khoa học đăng tin trên tạp chí toà án nhân dân và cổng thông tin điện tử tòa án nhân dân tối cao để các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp ý kiến trong thời hạn 2 tháng.
  5. Hết thời hạn nhận ý kiến đóng góp của cá nhân, tổ chức, Vụ pháp chế và Quản lý khoa học sẽ tổng hợp các ý kiến đóng góp và báo cáo Chánh án toà án nhân dân tối cao để xem xét và quyết định lấy ý kiến của Hội đồng tư vấn án lệ.
  6. Hội đồng tư vấn án lệ nghiên cứu hồ sơ và cho ý kiến tư vấn.
  7. Trên cơ sở báo cáo tư vấn của Hồi đồng tư vấn án lệ, Chánh án toà án nhân dân tối cao tổ chức phiên họp toàn thể Hội đồng thẩm phán toà án nhân dân tối cao để thảo luận và biểu quyết thông qua án lệ. Phiên họp phải có tối thiểu ⅔ thành viên Hội đồng thẩm phán có mặt và được biểu quyết thông qua với kết quả quá bán các thành viên tham dự đồng ý.
  8. Chánh án toà án nhân tối cao công bố án lệ. Án lệ sẽ hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày được công bố.

C.  Các hình thức phổ biết Án lệ tại Việt Nam

Việc phổ biến án lệ trong đời sống pháp lý tại Việt Nam được thực hiện bằng nhiều hình thức như: Toà án nhân dân tối cao gửi toàn văn án lệ và phụ lục đến tòa án của tất cả 63 tỉnh, thành phố và yêu cầu các toà án nhân dân và toà án quân sự trên toàn quốc có trách nhiệm nghiên cứu, áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử; đăng tải trên cổng thông tin điện tử của toà án với địa chỉ: https://anle.toaan.gov.vn/webcenter/portal/anle/home; tổ chức họp báo để công bố án lệ; tổ chức các buổi hội thảo như Hội thảo “Án lệ ở Việt Nam và thực tiễn áp dụng” v.v.

D. Đôi nét về Án lệ trên thế giới

D1. Đôi nét về Án lệ tại Anh

Về án lệ trên thế giới, Anh là quê hương của Án lệ, là nơi Án lệ ngự trị sớm nhất, lâu dài nhất và có vai trò quan trọng trong số các nguồn pháp luật. Ở Anh, Án lệ theo nghĩa hẹp đòi hỏi thẩm phán trong mỗi toà cụ thể tôn trọng và tuân theo các bản án của Tòa án cấp trên theo nguyên tắc bắt buộc. Theo luật pháp nước Anh thì có 4 yếu tố cơ bản để tạo ra một án lệ, đó là: 

  • Nội dung của bản án phải liên quan đến vấn đề pháp luật.
  • Trong bản án phải thể hiện thái độ, quan điểm của Thẩm phán.
  • Án lệ liên quan đến các tranh chấp nảy sinh giữa các bên.
  • Yếu tố cần thiết cho sự biện hộ quyết định của thẩm phán trong vụ án. 

Các Án lệ có thể được tham khảo là các Án lệ ngoài hệ thống pháp luật của nước Anh, chẳng hạn như hệ thống án lệ của các Toà án ở Scotland, án lệ của Toà án khối thịnh vượng chung (Commonwealth) hay án lệ của Tòa án nước ngoài. Xu hướng sử dụng Án lệ của Tòa án nước ngoài ngày càng phổ biến trong hoạt động xét xử ở Anh. Khác với các nước hệ thống Civil Law, pháp luật nước Anh không được pháp điển hoá, nước Anh không có những bộ luật điều chỉnh những quan hệ đặc thù theo kiểu bộ luật dân sự, bộ luật tố tụng dân sự, bộ luật hình sự v.v., thậm chí cũng không có một bản Hiến pháp thành văn như các nước khác. Các thẩm phán ở Anh cho rằng chức năng cơ bản của mình là phán xử, giải quyết tranh chấp, vì vậy, họ thường đặc biệt chú ý tới những tình tiết đặc thù của vụ việc, nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề pháp lý cần giải quyết và phán xét trên cơ sở xác định chính xác tất cả những vụ việc trong quá quá tình tiết tương tự với vụ việc được giải quyết ở thời điểm hiện tại. Khi đã tìm ra một hoặc một vài phán quyết của tòa án cấp trên xét xử một hay nhiều vụ việc có tình tiết tương tự, họ sẽ tìm đến phần nguyên tắc pháp lý mà các thẩm phán tiền bối đã sáng tạo ra trong các bản án đã tuyên trong quá khứ để áp dụng giải quyết vụ việc hiện tại. 

D2. Đôi nét về Án lệ tại Mỹ

Pháp luật Mỹ chịu ảnh hưởng sâu sắc của pháp luật Anh về những phương diện như thuật ngữ, phương pháp luật, luật thủ tục tố tụng, về vai trò của luật sư và đặc biệt là học thuyết về án lệ đã chiếm một vị trí quan trọng trong sự tạo lập thông luật ở Mỹ. Theo từ điển Black’s Law Dictionary thì Án lệ (Precedent) có hai nghĩa: “Một là sự làm luật bởi toà án trong việc nhận thức và áp dụng những quy định mới trong thi hành công lý. Hai là một vụ việc đã được quyết định mà cung cấp cơ sở để quyết định cho những vụ việc sau liên quan đến các sự kiện hoặc các vấn đề pháp lý tương tự… Thường cũng có thể chấp nhận tôn trọng một án lệ không phải bởi nó bao quát một logic ổn định mà bởi từ các phần của nó có thể sinh ra ý tưởng về mẫu mới của quyết định”. Án lệ trong thông luật của Mỹ tồn tại trong mỗi bang có nét đặc trưng khác nhau. Về cơ bản, Mỹ không có thông luật của toàn bộ liên bang, song vẫn có một số hình thức thông luật của liên bang như lĩnh vực hải quan, tranh chấp giữa các tiểu bang và các vấn đề liên quan đến thông luật liên bang liên quan đến việc bảo vệ sở hữu của Nhà Nước liên bang. Toàn bộ hệ thống pháp luật Mỹ luôn là sự kết hợp giữa thông luật và luật thành văn. 

Ngày nay, thuật ngữ Common Law được hiểu theo nghĩa thông dụng hơn và thường được đặt trong mối quan hệ với Luật thành văn. Với nghĩa này, thuật ngữ common law có nhiều cách diễn đạt như: luật án lệ, luật do thẩm phán làm ra, luật tập quán, luật bất thành văn. Common law là luật không do cơ quan lập pháp làm ra mà được tạo ra bằng các phán quyết của Tòa án (Án lệ) và bằng tập quán pháp. 

E. Kết luận 

Thực tiễn xét xử thời gian qua cho thấy đã có nhiều vụ việc trong quá trình giải quyết, các Thẩm phán đã xác định được có tình tiết, sự kiện pháp lý trong án lệ nên các thẩm phán đã áp dụng và viện dẫn án lệ để giải quyết vụ việc (2). Tuy nhiên, hiện nay chưa có quy định hoặc hướng dẫn cụ thể trong việc viện dẫn và áp dụng án lệ cụ thể; tại khoản 2 Điều 8 Nghị quyết số 04/NQ-HĐTP hướng dẫn: “Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, đảm bảo những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau”. Do đó, trong nhiều bản án của Tòa án chỉ vận dụng tinh thần của Án lệ nhưng trong bản án chưa viện dẫn, áp dụng án lệ. Do đó, việc nghiên cứu, áp dụng và phổ biến án lệ còn cần những biện pháp từ tuyên truyền, giáo dục dục đến hướng dẫn áp dụng thực tiễn cụ thể hơn nữa để Án lệ thực sự trở thành một nguồn của pháp luật và góp phần nâng cao hiệu quả trong thực tiễn xét xử. 

 (1) Điều 3, Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7, Điều 8 của Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP 

(2) Một số vấn đề về áp dụng và viện dẫn án lệ trong thực tiễn xét xử tại Toà án hiện nay, https://tapchitoaan.vn/mot-so-van-de-ve-ap-dung-va-vien-dan-an-le-trong-thuc-tien-xet-xu-tai-toa-an-hien-nay9048.html, Tạp chí Toà án nhân dân điện tử

Quý khách quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của NESTLAW?
Để lại thông tin của bạn, NESTLAW sẽ liên hệ lại trong 3 ngày làm việc

CÔNG TY LUẬT TNHH NESTLAW VIỆT NAM
Địa chỉ trụ sở chính: 161B, phố Đại La, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Hotline: 0983 848 390
Email : contact@nestlaw.vn