Một số quy định về người thứ ba ngay tình

Người thứ ba ngay tình được pháp luật bảo vệ.

người thứ ba ngay tình

Về định nghĩa, theo quy định BLDS 1995 (Điều 147, Điều 195) và BLDS 2005 (Điều 138, Điều 189) người thứ ba ngay tình được hiểu là người thứ ba: “chiếm hữu tài sản không có căn pháp luật nhưng ngay tình” (tức là họ không biết và không thể biết việc chiếm hữu tài sản đó là không có căn cứ pháp luật).

 

Theo BLDS 2015, theo Điều 180, Điều 181 quan niệm về người thứ ba ngay tình đã có sự thay đổi cơ bản, theo đó, thuật ngữ “ngay tình” không còn được hiểu theo nghĩa “không biết và không thể biết việc chiếm hữu tài sản đó là không có căn cứ pháp luật” mà được hiểu theo nghĩa: “người chiếm hữu có căn cứ để tin rằng mình có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu”; “Chiếm hữu không ngay tình là việc chiếm hữu mà người chiếm hữu biết hoặc phải biết rằng mình không có quyền đối với tài sản đang chiếm hữu”.

 

Hậu quả pháp lý đối với giao dịch dân sự của người thứ ba ngay tình được quy định tại Điều 133 BLDS năm 2015:

 

  1. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167 của Bộ luật này.
  2. Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.
  3. Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại.

Như vậy, việc bảo vệ quyền lợi cho người thứ ba ngay tình được quy định cụ thể là:

  • Nếu giao dịch là tài sản không phải đăng ký thì giao dịch đó không bị vô hiệu, trừ trường hợp: tài sản đó có được từ một hợp đồng không có đền bù với người người không có quyền định đoạt tài sản; tài sản đó bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu.
  • Nếu là tài sản phải đăng ký mà chưa đăng ký thì cần phải thoả mãn một trong hai điều kiện: tài sản đó phải do người thứ ba ngay tình có được từ đấu giá hợp pháp; tài sản có được do người không có quyền định đoạt bị mất quyền định với tài sản vì bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền bị huỷ, sửa.
  • Chủ sở hữu tài sản không thể đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình nếu giao dịch dân sự của người thứ ba ngay tình thực hiện không bị vô hiệu.

 

Điều kiện cơ bản xác định người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền lợi được quy định tại Điều 117 BLDS 2015:

 

Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

  1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
    • Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
    • Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
    • Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
  2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

 

Quy định này được phản ánh trên BLDS năm 2005 tại Điều 138 về bảo vệ người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu:

 

  1. Trong trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản giao dịch là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch với người thứ ba ngay tình vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 257 của Bộ luật này (Quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình).
  2. Trong trường hợp tài sản giao dịch là bất động sản hoặc động sản phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản quán, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa.

 

BLDS năm 2005 quy định trường hợp tài sản phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu của tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa.

 

Trên thực tiễn xét xử của Toà án cho thấy, trong một số trường hợp người thứ ba là người “không thể biết và không có nghĩa vụ kiểm tra tính pháp lý của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” thì được coi là ngay tình.

 

Theo Toà án nhân dân tối cao, một người được xác định là “ngay tình” khi nhận được tài sản thông qua giao dịch với một người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa.

 

Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện sẽ xảy ra các trường hợp:

 

  1. Giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, từ một trong các trường hợp sau:
  • Người được đại diện đã công nhận giao dịch;
  • Người được đại diện biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý;
  • Người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch với mình không có quyền đại diện.

 

  1. Trường hợp giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện thì người không có quyền đại diện vẫn phải thực hiện nghĩa vụ đối với người đã giao dịch với mình, trừ trường hợp người đã giao dịch biết hoặc phải biết về việc không có quyền đại diện mà vẫn giao dịch.

 

  1. Người đã giao dịch với người không có quyền đại diện có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự đã xác lập và yêu cầu bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp người đó biết hoặc phải biết về việc không có quyền đại diện mà vẫn giao dịch hoặc trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

 

  1. Trường hợp người không có quyền đại diện và người đã giao dịch cố ý xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà gây thiệt hại cho người được đại diện thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.”

 

Về điều khoản chuyển tiếp giữa BLDS 2005 và 2015 được quy định tại Khoản 1 Điều 688 BLDS 2015 quy định:

 

1. Đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật này có hiệu lực thì việc áp dụng pháp luật được quy định như sau:

a) Giao dịch dân sự chưa được thực hiện mà có nội dung, hình thức khác với quy định của Bộ luật này thì chủ thể giao dịch tiếp tục thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11, trừ trường hợp các bên của giao dịch dân sự có thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung nội dung, hình thức của giao dịch để phù hợp với Bộ luật này và để áp dụng quy định của Bộ luật này.

Giao dịch dân sự đang được thực hiện mà có nội dung, hình thức khác với quy định của Bộ luật này thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11;

b) Giao dịch dân sự chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật này thì áp dụng quy định của Bộ luật này;

c) Giao dịch dân sự được thực hiện xong trước ngày Bộ luật này có hiệu lực mà có tranh chấp thì áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Bộ luật Dân sự số 33/2005/QH11 để giải quyết;

d) Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này”.

 

Theo quy định này, “giao dịch dân sự được xác lập trước ngày BLDS năm 2015 có hiệu lực” được hiểu là giao dịch chuyển giao tài sản cho người thứ ba ngay tình vì đây là giao dịch trực tiếp dẫn đến hậu quả pháp lý là người thứ ba ngay tình có được pháp luật bảo vệ hay không. Trường hợp giao dịch chuyển giao tài sản cho người thứ ba ngay tình chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện mà thỏa mãn đầy đủ các điều kiện nêu tại khoản 2 Điều 133 BLDS 2015, các nội dung khác và hình thức giao dịch cũng phù hợp với quy định của BLDS năm 2015 thì giao dịch chuyển giao tài sản cho người thứ ba ngay tình không bị vô hiệu.

 

Quý khách quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của NESTLAW?
Để lại thông tin của bạn, NESTLAW sẽ liên hệ lại trong 3 ngày làm việc

CÔNG TY LUẬT TNHH NESTLAW VIỆT NAM
Địa chỉ trụ sở chính: 161B, phố Đại La, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Hotline: 0983 848 390
Email : contact@nestlaw.vn