Lịch sử Văn Minh Thế Giới

 

Con người và môi trường có vai trò quan trọng đối với sự hình thành của các nền văn minh.
Các trung tâm văn minh: Ai Cập, Trung Quốc, Hy Lạp, Hồi Giáo, …

 

Theo định nghĩa của từ điển tiếng Việt, văn minh là “trình độ phát triển đạt đến một mức độ nhất định của xã hội loài người, có nền văn hoá vật chất và tinh thần với những đặc trưng riêng. Trong tác phẩm Bàn về văn minh, Fukuzawa Yukichi đã cho rằng: “Văn minh là một thứ tương đối, và không hệ có giới hạn khi nói về trình độ văn minh… Văn minh đơn giản là việc thoát khỏi trạng thái dã man mà dần dần tiến bộ… Trong trạng thái cô lập thì không thể nảy sinh trí lực và tài năng. Chỉ có những người trong gia đình tập hợp với nhau thì chưa thể gọi là sự giao tiếp đầy đủ giữa người với người. Cả xã hội càng giao hoà, người với người càng tiếp xúc và sự tiếp xúc đó ngày càng mở rộng, thì pháp luật càng tiến bộ, cũng như tính người sẽ thêm văn minh và trí tuệ con người ngày thêm phát triển”. Trình độ văn minh được thể hiện ở nhiều mặt: thứ nhất, trình độ chinh phục tự nhiên, cải thiện điều kiện sống của con người; thứ hai, trình độ tổ chức và quản lý xã hội (biểu hiện ở sự ra đời của nhà nước; thứ ba, thành tựu văn hoá. 

Kể từ khi ra đời cách đây hàng trăm triệu năm, loài người đã sáng tạo ra những giá trị văn hoá vật chất và tinh thần. Song, phải đến cuối thiên niên kỷ IV TCN, khi xã hội nguyên thuỷ bắt đầu tan rã, nhà nước dần hình thành thì loài người mới bước vào nền văn minh. Mỗi thời đại sẽ có nền văn minh của riêng nó. 

Thời kỳ cổ đại, có bốn trung tâm văn minh lớn xuất hiện sớm, gồm: Ai Cập, Lưỡng Hà, Trung Quốc và Ấn Độ. Điểm chung của cả bốn trung tâm văn minh này là đều hình thành và phát triển trên lưu vực của bốn dòng sông lớn: sông Nile ở Ai Cập, sông Tigris và Euphrates ở Lưỡng Hà; Hoàng Hà và Trường Giang (Dương Tử) ở Trung Quốc; sông Ấn và sông Hằng ở Ấn Độ. Chính nhờ sự bồi đắp thường xuyên của những dòng sông đó, nên các đồng bằng ở Ai Cập, Lưỡng Hà, Trung Quốc và Ấn Độ đều rất màu mỡ. Nhờ vậy, nông nghiệp có điều kiện phát triển trong điều kiện nông cụ còn thô sơ đã sản xuất được số lượng lớn lương thực, thực phẩm, cho phép tập trung đông dân cư, là tiền đề dẫn đến sự xuất hiện sớm của Nhà Nước. Sông Nile đã biến Ai Cập từ “một cánh đồng cát bụi” thành “một vườn hoa”. Về tài nguyên thiên nhiên, Ai Cập có rất nhiều loại đá trữ lượng lớn. Đây là những nguyên liệu rất bền chắc để Ai Cập xây dựng các công trình kiến trúc lớn. Ai Cập gũng có các kim loại như đồng, vàng, là cơ sở để cư dân Ai Cập sớm xây dựng nền văn minh của mình. Sự phát triển của các ngành kinh tế như thủ công nghiệp và đặc biệt là nông nghiệp và thủ công nghiệp đã tạo ra nguồn lực vật chất quan trọng cho sự phát triển của văn minh Ai Cập cổ đại. 

Lưỡng Hà không có biên giới thiên nhiên hiểm trở che chắn như Ai Cập, địa hình Lưỡng Hà khá bằng phẳng, đất đai phì nhiêu, cây cỏ tốt tươi nằm giữa vùng sa mạc Siri nóng bỏng và cao nguyên Iran cằn cỗi. Về tài nguyên, Lưỡng Hà ít đá quý và kim loại nhưng lại có một loại đất sét rất tốt, trở thành vật liệu chủ yếu của ngành kiếm trúc, chất liệu để viết, thậm chí còn được đưa vào các câu chuyện huyền thoại. Thủ công nghiệp của Lưỡng Hà cũng từng bước phát triển. Từ thiên niên kỉ III TCN họ đã sử dụng đồng thau để chế tạo công cụ sản xuất, vũ khí, đồ dùng và đồ trang sức. Sự phát triển của nông nghiệp và thủ công nghiệp đã thúc đẩy thương nghiệp phát triển. Sự phát triển của các ngành kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp là cơ sở quan trọng cho sự phát triển của văn minh Lưỡng Hà cổ đại. 

Trung Quốc không chỉ rộng lớn về đất đai, có vị trí địa lý – chính trị quan trọng, có những dòng sông lớn bồi đắp và nuôi dưỡng các đồng bằng, Trung Quốc còn có nguồn tài nguyên thiên nhiên rất phong phú. Với diện tích lớn, đa dạng về địa hình, khí hậu, Trung Quốc là nước có hệ thực vật lớn trên thế giới, có nguồn tài nguyên động vật rất phong phú. Nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú nói trên là điều kiện quan trọng hàng đầu để Trung Quốc sớm phát triển một nền kinh tế, văn hoá đa dạng. Cư dân Trung Quốc có nhiều dân tộc thuộc chủng tộc Mongoloid, trong đó người Hán là dân tộc chiếm đa số. Trong lịch sử, Trung Quốc là nước có dân số lớn và không ngừng gia tăng. Không chỉ lớn về số lượng, người Hán là dân tộc có sức sáng tạo lớn và sức sống mạnh mẽ. Đó là một dân tộc làm ruộng cần cù, tài hoa về công nghệ (luyện kim, làm đồ sứ, dệt may, làm giấy …) và năng động trên thương trường. Ở thời cổ – trung đại, Trung Quốc có nền kinh tế phát triển khá toàn diện cả về nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp. Do đó, cư dân ở những nơi này sớm bước vào xã hội văn minh, đạt được nhiều thành tựu rực rỡ, có ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài đối với lịch sử nhân loại. 

Muộn hơn ở phương Đông, phương Tây xuất hiện nền văn minh Hi Lạp cổ đại. Đến cuối thế kỷ thứ VII TCN trở về sau, nền văn minh Hi Lạp mới đạt được những thành tựu rực rỡ. Đến thế kỷ thứ VI TCN, nhà nước La Mã bắt đầu thành lập. La Mã đã kế thừa và phát triển văn minh Hi Lạp. 

Văn minh Hồi Giáo tiếp tục phát triển trong thế giới Arab ở Trung Cận Đông và Bắc Phi, với nhiều thành tựu về y học, thiên văn, thơ ca, triết lý. Đó là cầu nối giữa văn minh Đông – Tây. 

Nền văn minh Đông Nam Á cổ trung đại nổi lên như một khu vực địa lý – lịch sử – văn hoá riêng biệt, tương đồng trong khu vực và khác biệt với những khu vực khác trên thế giới, trước khi trở thành một khu vực địa – chính trị. Nằm ở ngã tư đường giữa Châu Á và châu Đại Dương, nối liền giữa Thái Bình Dương, Ấn Độ Duơng, Đông Nam Á từ lâu vẫn được coi là hành lang, là cầu nối giữa Trung Quốc, Nhật Bản với Ấn Độ, Tây Á và Địa Trung Hải. Vị trí địa lý thuận lợi đó đã giúp Đông Nam Á không chỉ trở thành cửa ngõ giao thương, buôn bán, mà còn là nơi giao lưu, tiếp biến của nhiều nền văn minh, văn hoá của nhiều dân tộc trên thế giới. Khí hậu Đông Nam Á chủ yếu là nhiệt đới nóng ẩm quanh năm với lượng mưa dồi dào. Chính gió mùa đã làm cho vùng Đông Nam Á đáng lẽ có thể trở nên khô cằn như một số khu vực lục địa khác có cùng vĩ độ, nhưng nơi đây đã trở nên xanh tốt và trù phú với những đô thị đông đúc. Gió mùa kèm theo những cơn mưa nhiệt đới đã cung cấp đủ nước cho con người sinh sống và sản xuất hằng năm, tạo nên những cánh rừng nhiệt đới phong phú về thực vật và động vật. Cùng sinh tụ trên một khu vực địa lý, cư dân Đông Nam Á đã sáng tạo nên một nền văn hoá bản địa có cội nguồn chung từ thời tiền sử và sơ sử trước khi tiếp xúc với nền văn hoá Trung Hoa, Ấn Độ và thế giới Hồi Giáo. 

Đến thời cận đại, nhờ sự tiến bộ của khoa học và kỹ thuật, nhiều nước phương Tây sớm phát triển nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, giàu có về kinh tế và hùng mạnh về quân sự. Các nước phương Tây trở thành những trung tâm văn minh lớn, trong khi các quốc gia phương Đông lại rơi vào tình trạng khủng hoảng kéo dài. Các cuộc cách mạng như cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân Netherlands, cuộc nội chiến ở Anh, cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân 13 thuộc địa Anh ở Bắc Mỹ, cuộc cách mạng tư sản Pháp, dù thiết lập chế độ Cộng Hoà hay Quân chủ lập hiến, đã giáng những đòn mạnh mẽ vào chế độ chính trị cũ, vào nền phong kiến lạc hậu, mở đường cho sự phát triển của văn minh nhân loại trong thời kỳ mới. Trong đó, tiêu biểu nhất là những vấn đề về tự do, bình đẳng, bác ái, về quyền của các dân tộc, quyền tư hữu và một loạt các nhà tư tưởng đã hình thành và phát triển các hệ tư tưởng chính trị, kinh tế và xã hội để xây đắp cho nền văn minh thế giới thời cận đại. 

Những biến động chính trị thăng trầm của thế kỷ XX: sự bùng nổ của các cuộc chiến tranh thế giới, xung đột khu vực, dân tộc, sắc tộc, tôn giáo …; sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa tư bản, sự ra đời và phát triển chủ nghĩa xã hội hiện thực, sự phát triển của chủ nghĩa tư bản, sự thắng lợi của phong trào giải phóng dân tộc,… đã tác động sâu sắc đên văn minh nhân loại, đưa trình độ văn minh phát triển lên những nấc thang mới song cũng đặt ra nhiều vấn đề. Lịch sử nhân loại trong thế kỷ XX đã trải qua hai cuộc chiến tranh thế giới lớn (Chiến tranh thế giới lần thứ nhất 1914 – 1918, Chiến tranh thế giới thứ hai 1939 – 1945) và hàng trăm cuộc chiến tranh cục bộ. Các cuộc chiến tranh đã tác động sâu sắc đến văn minh nhân loại, chủ yếu là tác động tiêu cực.  

Trong lịch sử nhân loại, các nền văn minh không tồn tại biệt lập mà thông qua các hoạt động như chiến tranh, giao lưu, truyền giáo, … đã có sự tiếp xúc với nhau. Nhiều thành tựu văn minh Trung Quốc, Ấn Độ và Arab không chỉ truyền bá cho nhau mà còn được truyền sang Tây Âu. Ngược lại, một số quốc gia ở phương Đông cũng tiếp thu nhiều yếu tố của văn minh Hi – La. Trong đó, con người và môi trường luôn là những yếu tố quyết định đến sự hình thành, tồn tại và phát triển của các nền văn minh. 

 

Tài liệu tham khảo

  1. Giáo trình lịch sử văn minh thế giới, Nxb. Đại học sư phạm

Quý khách quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của NESTLAW?
Để lại thông tin của bạn, NESTLAW sẽ liên hệ lại trong 3 ngày làm việc

CÔNG TY LUẬT TNHH NESTLAW VIỆT NAM
Địa chỉ trụ sở chính: 161B, phố Đại La, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Hotline: 0983 848 390
Email : contact@nestlaw.vn