Tương tác xã hội giữa con người với con người là phương thức quan trọng của sự thay đổi.

Tương tác xã hội giữa con người với con người

 

Trong xã hội hiện đại ngày nay, tương tác xã hội giữa con người với con người ngày càng trở nên có vai trò quan trọng, các hình thức tương tác cũng ngày càng phát triển và đa dạng hoá. Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ và những thay đổi mang tính vĩ mô của xã hội như đại dịch covid 19 dẫn đến giãn cách xã hội trong một thời gian dài thì các hoạt động của công tác xã hội trong đó với nhiệm vụ quan trọng về tăng cường tương tác xã hội đã đem đến nhiều sự thay đổi đối với xã hội cũng như đối với mỗi cá nhân.

Trước tiên, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu tương tác xã hội là gì và vai trò của tương tác xã hội trong đời sống xã hội nói chung và của mỗi con người nói riêng.

Tương tác xã hội là một chuỗi các hoạt động xã hội giữa các cá nhân (hoặc các nhóm) trong đó các cá nhân (nhóm) bổ sung thay đổi hành động, phản ứng của mình tuỳ theo hành động của đối tác tương tác. Tương tác xã hội tạo nên một nền tảng cho các quan hệ xã hội. Tương tác xã hội là một khái niệm được quy từ hai khái niệm quan hệ xã hội và hoạt động xã hội, nó nói lên rằng mỗi hoạt động có mục đích của con người chỉ trở thành hoạt động xã hội khi nó nằm trong và thông qua một số quan hệ giữa các chủ thể hoạt động, mặt khác khái niệm tương tác xã hội nói lên rằng mỗi quan hệ xã hội đều gắn với một hoạt động xã hội nhất định.

Khi nói tới hệ thống tương tác xã hội thì không thể không nói tới con người của quan hệ xã hội và con người hoạt động xã hội hay đó là chủ thể xã hội. Cả thủ thể xã hội, quan hệ xã hội và hoạt động xã hội có mối quan hệ với nhau nhưng mỗi yếu tố lại có tính chất đặc thù riêng. Đó là một tập hợp tối thiểu để xem xét hiện tượng và quá trình xã hội. Tương tác xã hội là một quá trình trong đó chúng ta tác động và chịu sự tác động của những người xung quanh chúng ta. Việc nghiên cứu tương tác xã hội trong đời sống hàng ngày là một lĩnh vực cơ bản của xã hội học, làm sáng tỏ các thể chế và hệ thống xã hội lớn hơn, cũng như các khía cạnh khác của đời sống xã hội. Những khía cạnh bình thường của hành vi hàng ngày của chúng ta nếu được xem xét kỹ lưỡng lại trở thành những khía cạnh phức tạp và quan trọng của tương tác xã hội. Những công việc hàng ngày của chúng ta luôn diễn ra với sự tương tác với những cá nhân khác nhau. Thông qua việc nghiên cứu này, chúng ta có thể học được nhiều điều về bản thân của chúng ta, về đời sống xã hội của chúng ta. Việc nghiên cứu đời sống hàng ngày cũng làm sáng tỏ cách thức chúng ta hoạt động sáng tạo để tạo nên hiện thực.

Lý thuyết tương tác biểu trưng còn được gọi là tương tác biểu trưng, một trong những lý thuyết về tương tác xã hội quan trong nhất trong xã hội. Trong tương tác biểu trưng, các chủ thể không phản ứng trực tiếp với các hành động của người khác, mà chỉ tìm cách đọc và hiểu ý nghĩa của các biểu tượng, được thể hiện bằng hành động, cử chỉ[1] … Bên cạnh đó, nhìn tương tác xã hội như một sự trao đổi xã hội là quan điểm của các đại diện tiêu biểu như George C. Homans (1910 – 1989) và Peter Blau (1918 – 2002). Tương tác xã hội theo phương pháp luận dân tộc học[2] nghiên cứu những cách thức mà con người sử dụng trong quá trình tương tác hàng ngày, đặc biệt là những điều mà con người nói ra. Nói cách khác, cuộc sống hàng ngày bao gồm một tập hợp các cuộc hội thoại. Chúng ta chỉ có thể hiểu được cái gì đề cập trong các cuộc hội thoại nếu chúng ta hiểu bối cảnh xã hội, điều mà trong nội dung từng câu chữ không nhắc đến.

Theo Sepanski – Nhà xã hội học người Ba Lan thì tương tác xã hội không được xây dựng từ các hành động xã hội sơ đẳng, mà từ các mức độ phát triển khác nhau mà nó trải qua. Điều này thể hiện mối liên hệ xã hội giữa các đối tượng tương tác. Bên cạnh đó, tương tác xã hội có thể chia theo các chủ thể hành động như:

  • Tương tác liên cá nhân là tương tác giữa các cá nhân với nhau
  • Tương tác giữa cá nhân – xã hội
  • Tương tác nhóm – xã hội
  • Tương tác nhóm – nhóm

Tương tác xã hội có thể diễn ra trực tiếp khi các chủ thể hành động tương tác không dùng bất kỳ một phương tiện trung gian nào để thực hiện giao dịch. Đây là loại tương tác đối mặt. Trong thời đại công nghiệp hoá, tương tác xã hội cũng có thể diễn ra gián tiếp dùng đến các công cụ trung gian như máy fax, điện thoại, máy vi tính, các phương tiện thông tin đại chúng … để thiết lập và duy trì quá trình tương tác.

Thứ hai, thay đổi được định nghĩa là thay cái này bằng cái khác hoặc đổi khác đi, trở nên khác trước[3]. Thay đổi là một quy luật tất yếu của đời sống xã hội. Trong quá trình hình và phát triển, loài người đã trải qua rất nhiều sự thay đổi và từ đó dẫn đến rất nhiều sự thay đổi của đời sống xã hội.

Từ định nghĩa và những tính chất nêu trên, chúng ta có thể thấy được rằng tương tác xã hội có vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình xã hội hoá cá nhân, tạo nên môi trường học tập xã hội, phá vỡ các rào cản xã hội để đóng góp vào sự phát triển xã hội nói chung.

Thứ nhất, các quan hệ xã hội phải được cấu tạo nên từ các tương tác xã hội và ngược trở lại các quan hệ xã hội cũng tác động để các tương tác xã hội ngày càng phát triển phong phú, đa dạng hơn. Trong xã hội có rất nhiều dạng quan hệ xã hội, có thể được hình thành và phát sinh trên cơ sở quy định pháp luật (ví dụ như các thủ tục hành chính…), các quan hệ xã hội (ví dụ việc phải đi học, đi làm …) hay các quan hệ cá nhân (như bạn bè, yêu đương …). Dù ở dưới hình thức trực tiếp hay gián tiếp thì việc tương tác xã hội vẫn luôn được diễn ra một cách thường xuyên. Trong một xã hội hiện đại, thì các tương tác xã hội ngày càng được xây dựng trên các chuẩn mực cao hơn dẫn đến chất lượng tương tác xã hội ngày càng được mở rộng. Ví dụ hiện nay, ngày càng nhiều thủ tục hành chính được số hoá và được cải thiện nhanh chóng dẫn đến số lượng các thủ tục được giải quyết đầy đủ, chính xác, đúng hạn ngày càng nhiều. Trong các mối quan hệ xã hội liên cá nhân, các mô hình gia đình (các gia đình đơn thân …) và các kiểu mối quan hệ (mối quan hệ đồng giới), do sự thay đổi của đời sống xã hội (đạo đức) và các kiến trúc thượng tầng (pháp luật) dẫn đến các quan hệ xã hội và tương tác xã hội cũng phong phú, đa dạng hơn so với những thời kỳ trước kia.

Thứ hai, tương tác xã hội cũng có vai trò quan trọng trong việc xã hội hoá cá nhân. Việc tương tác xã hội này có vai trò quan trọng kể cả khi trẻ nhỏ. Điều này chúng ta có thể thấy rõ thông qua thực nghiệm về thiếu hụt giao tiếp xã hội và rối loạn tâm lý ở trẻ em do Spitz và Wolf thực hiện[4]. Thực nghiệm tại hiện trường với hai nhóm trẻ em: một nhóm gồm 61 trẻ nuôi ở nhà trẻ và nhóm kia gồm 69 trẻ sống trong trại giam nữ phạm pháp. Kết luận của thực nghiệm, Spitz cho rằng, nếu trẻ em ở nhà trẻ mồ côi là nạn nhân của cảnh bị hụt hẫng cùng cực tình yêu thương của mẹ, thì trẻ em ở trại giam được mẹ ân cần chăm sóc tuyệt vời. Theo ông, chính cảm giác an toàn nhờ đôi bàn tay mẹ tạo ra có liên quan đến việc tập đi, tập nói và sự âu yếm tình cảm của người mẹ đã làm cho con ham đi, ham nói. Một nghiên cứu mới đây do đại học New South Wales (UNSW Sydney)[5] của Autralia chủ trì đã phát hiện ra rằng, các mối quan hệ xã hội tích cực sẽ giúp cải thiện sức khoẻ não bộ và nâng cao tuổi thọ. Nghiên cứu phát hiện ra rằng, những người có mối quan hệ tích cực, chẳng hạn đang trong mối quan hệ tình cảm, tham gia hoạt động cùng một nhóm cộng đồng hàng tuần, tương tác với người thân hoặc bạn bè mỗi tuần, sẽ có ít nguy cơ gặp tình trạng suy giảm nhận thức nhẹ (Mild cognitive impairment – MCI). Ngoài ra, nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ ở những người thường xuyên tiếp xúc với gia đình và bạn bè cũng thấp hơn. Như vậy, tương tác xã hội là yếu tố quan trọng trong quá trình nhập tâm và xuất tâm của mỗi cá nhân, nghĩa là hấp thụ những chuẩn mực của xã hội, của những người xung quanh, sau đó định hình thành cái siêu tôi của bản thân và ngược lại thể hiện ra bên ngoài, đóng góp ra xã hội.

Thứ ba, tương tác xã hội là tiền đề để xây dựng một xã hội học tập. Theo lý thuyết học tập xã hội của Albert Bandura thì tương tác và học hỏi có vai trò quan trọng trong sự phát triển của mỗi cá nhân. Nền tảng quan trọng của sự học hỏi trong xã hội là sự quan sát, bắt chước và rập khuôn. Bên cạnh đó, Bandura cũng đã chứng minh rằng bản thân nhận thức của con người có thể thay đổi các khuôn mẫu và củng cố của định hình xã hội, tuy nhiên về mặt nào đó thì các mô hình và củng cố xã hội luôn đóng vai trò trong sự thay đổi của mỗi cá nhân. Ví dụ như người Việt Nam chúng ta thường có câu: “Ông bà cha mẹ là tấm gương cho con cái” cũng đã thể hiện được phần lớn lý thuyết về học tập và vai trò của sự tương tác trong xã hội, với quy mô nhỏ trước tiên từ mỗi gia đình – tế bào của xã hội. Những hành động, lời nói, việc làm của người lớn trong gia đình luôn được trẻ em quan sát, bằng bắt chước để học hỏi. Sự học hỏi này với các mức độ khác nhau luôn được con người duy trì khi chúng ta dần bước ra cuộc sống xã hội như trong trường học hay nơi làm việc. Sự tương tác xã hội đồng thời cũng phá vỡ các rào cản xã hội, định kiến, giúp xã hội thay đổi cái cũ và phát triển lên những tầm cao mới. Bằng sự tương tác, học hỏi từ khuôn khổ quốc gia cho đến thế giới (ngày một phẳng hơn), con người càng tiến tới một xã hội tự do, bình đẳng và hạnh phúc hơn. Ví dụ như, trong một xã hội trước khi phụ nữ không được coi trọng và bị phân biệt đối xử thì ngày nay quyền lợi của phụ nữ và trẻ em đã được pháp luật và xã hội bảo vệ tốt hơn; các giới tính được thừa nhận và các mô hình gia đình mới (đơn thân, ly hôn) cũng được xã hội chấp nhận với thái độ thiện cảm hơn.

  

Như vậy, qua việc nghiên cứu một số khía cạnh về ảnh hưởng của tương tác tới sự thay đổi của xã hội và cá nhân, ta nhận thấy được vai trò của tương tác xã hội thúc đẩy tích cực đến sự thay đổi như thế nào. Và trong một xã hội phát triển nhanh chóng, tính cá nhân ngày một được đề cao thì rất cần đến các phương thức hỗ trợ sự tương tác xã hội, trong đó hoạt động của các tổ chức công tác xã hội công (hoặc công tư kết hợp) luôn được Nhà nước ưu tiên sử dụng và phát triển. Theo chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021 – 2030 do Thủ tướng chính phủ ban hành tại Quyết định số 112[6], các cơ quan chức năng có trách nhiệm quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để ngành nghề công tác xã hội phát triển. Tư nay đến năm 2030, cả nước phấn đấu đạt 90% số cơ quan, tổ chức, cơ sở trợ giúp xã hội, trường học, bệnh viện, UBND xã, phường, thị trấn … có nhân sự làm công tác xã hội. Để đạt được mục tiêu đề ra, Việt Nam tiếp tục lấy con người trung tâm của quá trình phát triển, đảm bảo chính sách phát triển xã hội phải được xây dựng và triển khai thực hiện hài hoà, đồng bộ với sự phát triển kinh tế.

Công tác xã hội với vai trò một nghề trợ giúp; giúp đỡ cá nhân, nhóm, cộng đồng tăng cường hay khôi phục việc thực hiện các chức năng xã hội của họ và tạo điều kiện thích hợp nhằm thực hiện mục tiêu đó tuân thủ theo những chính sách của Nhà nước như giúp đỡ các cá nhân bị ốm đau, bệnh tật; mang thức cho người đói, tìm nhà ở cho người vô gia cư, bảo vệ trẻ em, biện hộ cho người yếu thế, tham vấn cho người căng thẳng, tăng năng lực cho các nạn nhân, đấu tranh với bất bình đẳng, cung cấp thông tin cho chính phủ … Thông qua những tương tác xã hội trực tiếp hay gián tiếp một cách thường xuyên này, công tác xã hội đang góp một phần tích cực và không nhỏ cho sự phát triển, tiến bộ của mỗi xã hội.

[1] Phạm Tất Dong – Lê Ngọc Hùng, Xã hội học, Nxb. Thế Giới, tr. 147
[2] Giáo trình xã hội học đại cương, Nxb. Đại học Quốc Gia Hà Nội, tr. 154 – 155
[3] Hoàng Phê, Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Hồng Đức, trang 1162
[4] Trần Thị Minh Đức, Các thực nghiệm trong tâm lý học xã hội, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội
[5] Tương tác xã hội giúp người cao tuổi giảm nguy cơ sa sút trí tuệ và kéo dài tuổi thọ, VTVOnline, Đài truyền hình Việt Nam
[6] Công tác xã hội hướng tới sự phát triển bền vững, VOV2 Ban Văn hoá, xã hội, https://vov2.vov.vn/doi-song-xa-hoi/cong-tac-xa-hoi-huong-toi-su-phat-trien-ben-vung-43150.vov2, truy cập ngày 27/01/2024

Quý khách quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của NESTLAW?
Để lại thông tin của bạn, NESTLAW sẽ liên hệ lại trong 3 ngày làm việc

CÔNG TY LUẬT TNHH NESTLAW VIỆT NAM
Địa chỉ trụ sở chính: 161B, phố Đại La, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Hotline: 0983 848 390
Email : contact@nestlaw.vn