Quyền làm Mẹ của Phụ nữ đơn thân theo Pháp luật Việt Nam

Gần đây, báo chí có đưa thông tin về việc người mẫu Ngọc Trinh sử dụng các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để có con đầu lòng mặc dù chưa kết hôn. Có nhiều hoàn cảnh của người phụ nữ độc thân dẫn đến việc họ không muốn ràng buộc về mặt pháp lý nhưng sẵn sàng sinh con. Theo thống kê của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trong năm 2020, từ đầu năm đến tháng 10/2020, trung tâm có hơn 40 mẹ đơn thân đến xin mẫu tinh trùng để làm thụ tinh trong ống nghiệm. Nhiều người thắc mắc rằng, phụ nữ không kết hôn thì có được quyền làm mẹ theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành hay không? 

 

Phụ nữ không kết hôn thì có được quyền làm mẹ theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành hay không?
Phụ nữ không kết hôn thì có được quyền làm mẹ theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành hay không?

1. Khái niệm về gia đình cha/mẹ đơn thân 

Trên thế giới, chúng ta đã nghe nói nhiều đến khái niệm “gia đình cha/mẹ đơn thân” (single – parent family), có nghĩa là gia đình đó chỉ có cha hoặc mẹ sống cùng với con cái. Đây là loại hình gia đình mà các nhà xã hội học, gọi là “gia đình không đầy đủ”, một khía cạnh tất yếu của xã hội phát triển hiện đại. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết ngắn này, chúng tôi chỉ phân tích khía cạnh pháp lý liên quan đến quyền làm mẹ của người phụ nữ độc thân trong việc sinh con. 

Trước tiên, tại khoản 6 Điều 2 Nghị định 10/2015/NĐ-CP quy định: “Phụ nữ độc thân là phụ nữ không có quan hệ hôn nhân hợp pháp theo quy định của pháp luật”. Trong cuốn sách “Gia đình phụ nữ thiếu vắng chồng” của Trung tâm nghiên cứu khoa học về Gia đình và phụ nữ, tác giả Lê Thi đã đưa ra khái niệm: “phụ nữ cô đơn gồm những người phụ nữ có thể chưa lấy chồng hay không muốn lấy chồng sống một mình hay với sống với gia đình, họ hàng. Họ có thể có con (hay con nuôi) hay không có con”. Phụ nữ đơn thân là những người phụ nữ chưa kết hôn hoặc không muốn kết hôn, hoặc đã kết hôn nhưng chồng chết, đã ly hôn hoặc vợ chồng không sống chung với nhau vì những lý nhất định đã có con (con đẻ hoặc con nuôi) hoặc không có con. Và quyền làm mẹ của phụ nữ đơn thân là quyền tự nhiên gắn liền với nhân thân của người phụ nữ đơn thân thông qua việc thực hiện chức năng sinh con, nuôi con hoặc nhận con nuôi, được pháp luật bảo vệ, tôn trọng và tạo điều kiện để người phụ nữ đơn thân thực hiện. 

Tuy nhiên vấn đề bảo vệ quyền làm mẹ của phụ nữ đơn thân vẫn chưa nội luật hoá cụ thể trong các quy định của pháp luật. Việc pháp luật đưa ra các quy định bảo vệ quyền làm mẹ của phụ nữ đơn thân thông qua việc thực hiện chức năng sinh con, nuôi con hoặc nhận con nuôi đã góp phần đảm bảo việc nội luật hoá các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên như công ước về xoá bỏ mọi hình hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, tuyên bố của ILO năm 1998, các công ước nhân quyền trong luật lao động hay Công ước mà Việt Nam đã tham gia ký kết như, Công ước xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) cũng quy định rằng phải đảm bảo cho phụ nữ “Quyền được bảo vệ chức năng sinh đẻ” (Điểm f khoản I Điều 11).

2. Quyền làm mẹ của phụ nũ đơn thân 

Luật HN&GĐ năm 1959 ghi nhận cho phép có con ngoài giá thú được xin nhận cha mẹ trước Toà án, người mẹ có quyền nhận cha thay cho đứa trẻ chưa thành niên “Người con ngoài giá thú được xin nhận cha hoặc mẹ trước Toà án nhân dân. Người mẹ cũng có quyền xin nhận cha thay cho đứa trẻ chưa thành niên”. “Con người giá thú được cha, mẹ nhận hoặc được Toà án nhân dân cho nhận cha, mẹ có quyền lợi và nghĩa vụ như con chính thức”. Luật HN&GĐ năm 2000 đã quy định cho phép người phụ nữ có thể thực hiện chức năng làm mẹ thông qua việc sinh con và nhận nuôi con nuôi. Trong đó, một trong những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân gia đình là “Nhà nước không thừa nhận sự phân biệt đối xử giữa các con, giữa con trai và con gái, con đẻ và con nuôi, con trong giá thú và con ngoài giá thú ( Khoản 5, Điều 2, Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2000). Bên cạnh đó, Nghị định số 20/2010/NĐ-CP ngày 8/3/2010 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh sửa đổi Điều 10 của Pháp lệnh Dân số, cũng nói rõ những trường hợp không vi phạm quy định sinh một đến hai con, trong đó “Phụ nữ chưa kết hôn sinh một hoặc hai con trở lên trong cùng một lần sinh” (Khoản 7, Điều 2, Pháp lệnh dân số sửa đổi, bổ sung năm 2010). Luật HN&GĐ có điểm vượt trội hơn so với Luật HN&GĐ trước đó là cho phép người phụ nữ độc thân có thể sinh còn bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Luật HN&GĐ năm 2014 tiếp tục ghi nhận nguyên tắc giúp đỡ người phụ nữ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ tại Điều 2 và đưa ra khái niệm sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vào trong mục giải thích từ ngữ tại Điều 3. 

Người phụ nữ đơn thân sinh con ngoài giá thú trong các trường hợp: 

  • Hai bên chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn, trong thời gian chung sống có con với nhau 
  • Người phụ nữ không có chồng mà sinh con
  • Người phụ nữ bị cưỡng dâm, hiếp dâm sau đó sinh con 

Điều kiện áp dụng được quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 10/2015/NĐ-CP quy định về đối tượng được áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để sinh con là cặp vợ chồng vô sinh và người phụ nữ độc thân. Trong trường hợp đối tượng là người phụ nữ độc thân muốn nhận tinh trùng, nhận phôi phải đảm bảo các điều kiện sau: 

  • Người phụ nữ độc thân có đủ năng lực hành vi dân sự 
  • Người phụ nữ độc thân có nhu cầu sinh con và noãn của họ bảo đảm chất lượng để thụ thai được nhận tinh trùng từ ngân hàng tinh trùng 
  • Người phụ nữ độc thân có quyền và muốn nhận phôi khi họ không có noãn hoặc noãn không đảm bảo chất lượng để thụ thai. Điều này đã mở rộng hơn so với điều kiện đối với người phụ nữ độc thân được quy định tại Nghị định 12/2003/NĐ-CP. Trước đây, theo Nghị định này thì người phụ nữ đơn thân chỉ được nhận tinh trùng mà không được nhận noãn và phôi. 

Xem thêm bài viết: Đối tượng nào được trợ giúp pháp lý miễn phí? 

3. Nguyên tắc áp dụng 

  • Một là nguyên tắc tự nguyện: phải có đơn đề nghị được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, giấy xác nhận tình trạng độc thân do cơ quan có thẩm quyền cấp 
  • Nguyên tắc vô danh giữa người cho và người nhận: cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không được cung cấp tên, tuổi, địa chỉ và hình ảnh của người cho tinh trùng
  • Tuân thủ theo quy trình kỹ thuật 

Người phụ nữ đơn thân áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để sinh con trong các trường hợp sau: 

  • Thụ tinh nhân tạo: noãn của họ đảm bảo chất lượng để thụ thai; phôi được phát triển trong tử cung của người phụ nữ đó. Đứa trẻ được sinh ra trong trường hợp thụ tinh nhân tạo có chung huyết thống với người phụ nữ đơn thân và người cho tinh trùng. 
  • Thụ tinh trong ống nghiệm: không có noãn hoặc noãn của họ không đủ chất lượng để thụ thai; phôi được cấy vào tử cung của người phụ nữ đơn thân. Đứa trẻ sinh ra cùng huyết thống hoặc không cùng huyết thông trong trường hợp người phụ nữ đơn thân được nhận phôi để sinh con. 

4. Những vướng mắc

  • Ngân hàng tinh trùng đều trong tình trạng khan hiếm. Trung bình thời gian để thực hiện việc hiến tinh trùng là 06 tháng với quy trình phức tạp và người hiến phải bỏ công ăn việc làm và tốn chi phí đi lại để thực hiện các thủ tục xét nghiệm. 
  • Nếu người phụ nữ độc thân nhân tinh trùng và phôi từ người cho có họ trong phạm vi ba đời thì đứa bé khi sinh ra có khả năng sẽ bị dị tật bẩm sinh cao hơn. Điều này cũng đang vi phạm vào các hành vi bị cấm theo khoản 7, Điều 11, Luật hiến, lấy ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác: “Cấy tinh trùng, noãn, phôi giữa người cùng dòng máu trực hệ và giữa những người khác giới có họ trong phạm vi ba đời”. 
  • Các chế độ hỗ trợ phụ nữ đơn thân sinh con là một trong những đối tượng về Chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội “người đơn thân thuộc diện hộ nghèo, đang nuôi con nhỏ dưới 16 tuổi; trường hợp con đang đi học văn hoá, học nghề được áp dụng đến dưới 18 tuổi”; tuy nhiên, mức hỗ trợ còn thấp. 

Với sự phát triển của xã hội, cái nhìn về người phụ nữ độc thân sinh con dù chủ động hay bị động đã bớt khắt khe hơn xã hội cũ “cạo đầu, bôi vôi, thả thuyền trôi sông”. Tuy nhiên, họ vẫn còn gặp nhiều rào cản, định kiến trong việc áp dụng pháp luật mà chúng ta cần phải cải thiện và xây dựng để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp tốt nhất của người phụ nữ và những đứa trẻ.

Hy vọng rằng thông tin trên đã cung cấp đến bạn một cách rõ ràng và hữu ích. Hãy theo dõi Nestlaw để cập nhật những bài viết về luật mới nhất nhé! 

Nguồn tham khảo

Hoàng Bá Thịnh, Biến đổi gia đình Việt Nam trong quá trình phát triển, Nxb. Chính trị Quốc gia sự thật.

Phạm Thị Mỹ Linh, Quyền làm mẹ của phụ nữ đơn thân theo pháp luật Việt Nam, Luận văn thạc sĩ, Trường Đại học Luật Hà Nội. 

Quý khách quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của NESTLAW?
Để lại thông tin của bạn, NESTLAW sẽ liên hệ lại trong 3 ngày làm việc

CÔNG TY LUẬT TNHH NESTLAW VIỆT NAM
Địa chỉ trụ sở chính: 161B, phố Đại La, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội
Hotline: 0983 848 390
Email : contact@nestlaw.vn